Con
số thống kê năm 2013 cho thấy, Việt Nam đứng đầu thế giới trong danh sách “tiêu
xài lạc quan” nhất thế giới. Người giàu đã có, người chưa giàu đú đởn xài đồ hiệu
cũng có, nhưng dường như người Việt vẫn chưa sang.
Đại
gia vung tiền chơi ngông
Giới
đại gia – những người lắm tiền nhiều của có lẽ là những người dễ sang nhất, bởi
từ phương tiện đi lại, trang sức trên người, cái ăn cho đến chỗ ở của họ đều được
chi rất bạo tay. Lắm tiền nhiều của, nhưng họ có sang không?
Theo
thống kê của Tổng Cục Hải quan, các dòng xe đắt tiền nhập khẩu từ các nước Anh,
Pháp, Đức, Mỹ đang ngày càng được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam. Hẳn nhiên, những xe
sang, xế xịn này rơi vào tay các đại gia. Có những đại gia sở hữu vài chục chiếc
xe sang trong nhà, chiếc nào cũng có biển số “độc”, có những chiếc phải “đắp
chiếu” trong gara ô tô do ít được sử dụng.
Một
đại gia Ninh Bình sở hữu hơn 50 chiếc siêu xe, thuê hẳn một bãi đỗ xe riêng từng
phát biểu, ông mua xe để diễu phố, để người dân nhìn ngắm cho sướng mắt và để…
đọ giàu với các đại gia khác.
Một
vị đại gia ngót 70 tuổi đầu khác, chắc đã chán trò độ siêu xe (vì ông này cũng
đã có những con xế thuộc hàng siêu khủng trên thế giới) bèn chơi “sang” bằng
cách đặt mua chiếc giường “độc” nằm trong số 60 chiếc được sản xuất hạn chế
chào mừng 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.
Không
để giường ở nhà, ông đem trưng bày trong khuôn viên khu du lịch của mình để
thiên hạ ngắm chơi và cũng vì “để thế giới biết Việt Nam cũng có đại gia”.
Giường 6 tỷ của một đại gia U70 đặt mua. Ảnh:
Zing.
Chẳng
kém cạnh, một đại gia đất Tuyên Quang cũng bạo tay chi tới 4 tỷ đồng để sắm một
chiếc kính mát chế tác riêng làm từ vật liệu quý nguyên khối như vàng 18K,
palladium bạc hoặc bạch kim.
Ngay
cả báo chí nước ngoài cũng phải “lác mắt” với độ chịu chơi của các đại gia Việt.
Hãng tin Mỹ Bloomberg từng đưa tin: Việt Nam, nơi mà thu nhập bình quân chỉ ở mức
151 USD/tháng, vẫn có không ít người săn ăn tổ yến – món ăn được coi là “trứng
cá muối của phương Đông” - được bán với giá 1.000 - 1.500 USD/kg bán buôn và
khoảng 2.500 USD/kg bán lẻ.
Tờ
BBC của Anh cũng đưa tin về bát phở thịt bò Kobe có giá đắt nhất Việt Nam, với
hai mức giá hiện có là 650.000 đồng và 850.000 đồng/bát. Chuyện ăn của đại gia
Việt cũng được báo chí nước ngoài quan tâm khi tìm hiểu các món “trộn” vàng như
những chai rượu trắng trộn vàng cám có giá gần chục triệu, bánh trung thu nhân
vàng cám khoảng 3 triệu đồng/chiếc, chuyện đại gia Việt chi 1 tỷ đồng mở tiệc
trứng cá tầm.
Thói
quen chi tiêu mạnh tay cho các dịch vụ xa xỉ của người Việt cũng được tờ
Reuters khai thác với dịch vụ đắp mặt nạ vàng 24k để làm trắng da, mỗi lần đắp
mặt tốn 88,64 USD, tương đương 1,8 triệu đồng…
Chẳng
biết có phải vì tâm lý “ấm ức” với những đại gia kia không mà hiện nay, một số
người giàu mới nổi ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh… cũng đổ
xô nhau xây “lâu đài”. Họ sẵn sàng chi ra hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện một
tòa lâu đài có kiến trúc độc đáo, nghe nói là học tập kiến trúc cổ điển Pháp, học
hỏi kiến trúc châu Âu thời Phục Hưng… Và thêm cả "tự làm kiến trúc
sư".
Lâu đài Tổng Hải Sơn của một đại gia ở Phủ
Lý, Hà Nam. Ảnh: Soha/Trí thức trẻ.
Chơi
sang vậy, vung tiền “ác” vậy, nhưng xem ra cái sang vẫn còn xa, vì hưởng thụ chỉ
là phần phụ, phần chính, các đại gia muốn “khè” nhau và “khè” thiên hạ, như
chính họ tự phát biểu.
Nghèo
cũng cố mua điện thoại thông minh, xài hàng hiệu
Người
giàu lắm tiền nhiều của chơi sang đã đành, lắm người nghèo cũng thích chơi
sang. Theo thống kê, mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 1 tỉ USD cho việc mua sắm
điện thoại mới. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng của thị trường điện thoại thông
minh tại Việt Nam đạt 156% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu khu vực Đông Nam
Á.
Điều
đáng bàn là, người sử dụng điện thoại hiện không còn giới hạn trong tầng lớp
trung lưu, thượng lưu mà ai ai cũng có... điện thoại di động. Trung bình một
người dân Việt Nam sở hữu đến 1,4 chiếc điện thoại và trong số này gần một nửa
là dòng cao cấp, trị giá mỗi cái cũng bằng 2-3 tháng thu nhập trung bình của
người dân cả nước.
Liệu
đây là nhu cầu thực sự hay tâm lý thích xài sang?
Việc
mua những đồ công nghệ đắt tiền để phục vụ cho công việc, có ích và phù hợp với
túi tiền thì không có gì đáng bàn. Theo khảo sát về người dùng smartphone tại
các nước châu Á - Thái Bình Dương do Ericsson Consumerlab công bố, 5 hoạt động
được người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam sử dụng nhiều nhất lần lượt là
gọi điện (99%); nhắn tin SMS (95%); lướt net (68%); truy cập mạng xã hội (38%);
sử dụng các ứng dụng (35%). Những con số này cho thấy người Việt sắm điện thoại
cao cấp chỉ để nhắn tin, gọi điện chứ không cần nhiều tới tính năng "thông
minh" khác của loại sản phẩm này.
Nhiều người Việt ít tiền nhưng vẫn "bấm
bụng" xài smartphone cho oai. (Ảnh minh họa)
Trên
thực tế, có không ít người thu nhập chỉ 4 triệu/tháng mà vẫn “bấm bụng” xài chiếc
iPhone 5S trị giá 20 triệu, bằng cả nửa năm thu nhập. Có những người làm lao động
phổ thông, kinh doanh tự do hoặc học sinh, sinh viên cũng sắm những chiếc máy
tính bảng, điện thoại cả chục triệu đồng.
Vào
quán café, quán ăn, không khó để thấy cảnh mỗi người ẵm một chiếc điện thoại cặm
cụi, người chơi game, người nhắn tin, người đọc báo, chụp ảnh “tự sướng”, có
người chả làm gì cũng mang ra vuốt vuốt rồi lại đút túi như để cho mọi người biết
ta đây cũng có điện thoại xịn.
Chuyện
xài hàng hiệu cũng tương tự vậy.
“Muối
mặt” xem người Việt đi máy bay, ăn buffet
Trong
thời đại “thế giới phẳng”, nhiều người Việt thích ra nước ngoài đi du lịch,
thăm thú thế giới để mở mang tầm mắt, nhưng cùng với nó là nhiều chuyện chướng
tai gai mắt, điển hình như chuyện đi máy bay hay ăn buffet ở nước ngoài.
Đến
sân bay – một trong những nơi thuộc dạng lịch sự, văn minh và sang trọng – ta vẫn
có thể thấy cảnh người Việt chen lấn, nhốn nháo khi xếp hàng làm thủ tục bay,
thậm chí va chạm vào người khác mà không thèm xin lỗi.
Ngồi
yên vị rồi, có người thản nhiên rút giày ra, gác chân lên ghế trước, cựa quậy
làm ảnh hưởng đến người khác. Khi lấy hành lý, nhiều người “lo xa” lấy trước từ
sớm, rồi lịch kịch đứng sẵn ở dọc lối đi dù máy bay chưa dừng hẳn; có người còn
tranh thủ gọi điện í ới cho người thân. Cảnh tượng chả khác nào những chuyến xe
đò dưới mặt đất.
Chuyện
ăn buffet – một loại hình tiệc thời hiện đại – của người Việt cũng đáng bàn.
Cái tâm lý “đã bỏ tiền ra phải ăn cho no, ăn cho đã” khiến nhiều người Việt bỏ
quên nguyên tắc ăn uống là thưởng thức. Nhiều người, hoặc khoái khẩu một món
nào đó, cứ chăm chăm vào món đó mà ăn ngấu nghiến, đến khi sang các món khác
thì đã quá no, nhưng tiếc rẻ, thế là vẫn lấy thêm, dù ăn chẳng hết.
Tấm
biển gây tranh cãi do khách du lịch Việt chụp ở một nhà hàng buffet Thái Lan. Ảnh:
Đất Việt.
Thế
mới có chuyện, ở một cửa hàng buffet ở Thái Lan, người ta đề hẳn biển thông báo
bằng tiếng Việt (không có phụ đề), đại ý xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, nếu
không sẽ bị phạt. Ở một nhà hàng tự chọn ở Singapore, tấm biển tương tự cũng được
nhìn thấy.
Tấm biển tương tự được chụp ở Singapore. Ảnh:
Đất Việt.
Xấu
hổ hơn, trong nhà hàng buffet Thái Lan có tấm biển gây sốc kia còn có một tấm
biển to tướng, đánh máy hẳn hoi bằng tiếng Việt ghi: “Đi vệ sinh nhớ dội nước”
và vẫn không có phụ đề.
Tâm
lý sĩ diện hão, khoe của ngăn cản cái sang
Việc
không ít người Việt thích xài sang, đi những loại xe “xịn”, mặc những bộ đồ
hàng ngàn đô, thích tỏ ra vẻ giàu có đã khiến Việt Nam được liệt vào danh sách
“chi tiêu lạc quan nhất thế giới”. Nhưng cái danh này chẳng đáng để tự hào, khi
mà nước ta vẫn đang thuộc diện nghèo với đa phần là người có thu nhập thấp,
hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu là bán nguyên vật liệu và gia công những mặt hàng
tiêu dùng chứ hiếm có hàng công nghệ cao, nguồn đầu tư trong nước chủ yếu là vốn
vay nước ngoài và các khoản viện trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế.
Những
người có tiền, họ xài sang còn tạm được, dù họ có sang được hay không lại là
chuyện khác. Người Á châu, mà nói cụ thể là nhiều người Việt, khi có tí tiền
thì thích mọi người phải biết đến mình, đi đến đâu thì cũng muốn người ta phải
trầm trồ khen ngợi hoặc kính phục, nên thích sắm những thứ “sang chảnh” để
khoác lên mình như một thứ nhãn thông báo: “Tôi giàu đây!”, đôi lúc trở nên kệch
cỡm, lố lăng. Nhiều người giàu ở xứ ta rất thích khoe khoang, chẳng hạn tổ chức
sinh nhật, đám cưới cũng phải ầm ĩ lên với dàn siêu xe rước dâu, vàng ròng đeo
trĩu cổ, tổ chức hát hò hoành tráng…
Nhưng
còn nhiều người Việt không kiếm ra tiền nhưng vẫn đua đòi dùng đồ hiệu vì sĩ diện,
vì quá xem trọng hình thức và giá trị vật chất, muốn thể hiện ta đây là kẻ “chịu
chơi”, là thức thời. Hiện tượng tiêu xài lãng phí, thích phô trương hình thức,
tỏ ra “sành điệu” này không chỉ phổ biến ở các thành thị mà còn lan tràn cả về
một số vùng nông thôn.
Sống
ở đời ai cũng muốn mình được sang trọng, nhưng không phải cứ có tiền mua đồ xịn,
xây nhà to, ăn của quý là thành sang trọng. Người giàu thì có nhiều điều kiện để
học làm sang hơn, nhưng học làm sang - nếu không biết cách thì sẽ trở thành một
sự phô trương lố bịch và kệch cỡm.
Huống
hồ, những người không giàu cũng loay hoay tìm cách tỏ ra vẻ sang trọng. Tâm lý
thích xài sang, suy cho cùng không đáng trách bởi đó là quyền cá nhân. Nhưng nó
phản cảm trong một xã hội mà đa số người dân còn nghèo. Và từ chuyện xài sang đến
cái sang trọng của người Việt, ngẫm ra còn gian nan lắm!
Theo Afamily