Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

SỰ KỲ DIỆU CỦA TƯ DUY LỚN - Audio Book

Sự kỳ diệu của tư duy lớn - Nắm được bí quyết thành công đạt được mọi điều mong muốn: Hàng triệu người trên thế giới đã cải thiện cuộc sống của mình nhờ đọc cuốn "Sự kỳ diệu của tư duy lớn".
Sự kỳ diệu của tư duy lớn cung cấp cho bạn những phương pháp hữu ích. Tiến sĩ Schwartz đã cẩn thận xây dựng một chương trình nhằm giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp nhất trong công việc, hôn nhân, gia đình và xã hội. Ông chứng minh rằng để có được thành công rực rỡ và được toại nguyện, bạn không cần phải có trí tuệ hay năng khiếu bẩm sinh, mà cái bạn cần là phải nghiên cứu và hiểu được cách tư duy và hành động để thành công. Quyển sách này sẽ trao cho bạn những bí quyết đó.
Cuốn sách không đi sâu vào các vấn đề lý luận trừu tượng như: Tư duy là gì, tư duy lớn là gì, đặc điểm, bản chất của tư duy… Qua những ví dụ gần gũi trong cuộc sống đời thường, tác giả muốn chuyển tải đến độc giả những tư tưởng, nguyên tắc, phương pháp và kế hoạch hành động cụ thể về tư duy lớn nhằm giúp họ “đạt được thành công, hạnh phúc và sự toại nguyện”. Muốn vậy cần nắm vững và vận dụng sáng tạo những nội dung sau đây:


           - Bước đầu vươn đến thành công bằng sức mạnh của niềm tin;
            - Nhờ tự tin, bạn có thể thành công;
            - Xoá tan sự hoài nghi và ảnh hưởng tiêu cực của nó;
            - Đạt được kết quả to lớn nhờ tin tưởng vào những điều to lớn;
            - Buộc trí óc sản xuất những ý nghĩ tích cực;
            - Phát triển sức mạnh của niềm tin;
            - Lên chương trình đạt đến thành công;
            - Ngăn ngừa chứng viện cớ - chứng bệnh dẫn đến thất bại;
            - Hãy nhìn nhận đúng về sức khoẻ;
            - Thực hiện 4 bước tích cực để vượt qua chứng bệnh viện lý do;
            - Khám phá tại sao năng lực tư duy lại quan trọng hơn trí thông minh thuần tuý;
            - Dùng đầu óc để suy nghĩ, đừng dùng đầu óc để chứa thông tin;
            - Nắm vững ba cách chữa chứng bệnh viện lý do trí tuệ;
            - Khắc phục vấn đề tuổi tác - “quá trẻ’ hoặc “quá già”;
            - Chữa chứng bệnh viện lý do may rủi và lôi kéo vận may về mình;
            - Hành động để khắc phục chứng sợ và tạo lập sự tự tin;
            - Quản lý ký ức để tăng sự tự tin;
            - Vượt quá chứng sợ người khác;
            - Suy nghĩ tự tin bằng cách hành động một cách tự tin;
            - Năm bước tích cực để tạo lập sự tự tin và xua tan nỗi lo sợ;
            - Mức độ thành công được đo bằng khả năng tư duy;
            - Xác định khả năng thực sự và 5 ưu thế của bản thân;
            - Tư duy lớn bằng cách hình dung những việc có thể thực hiện trong tương lai;
            - Bỏ qua những cái nhỏ nhặt và tập trung vào những cái quan trọng;
            - Dùng tư duy sáng tạo tìm ra những phương pháp mới và tốt hơn để thực hiện công việc;
            - Phát huy năng lực sáng tạo bằng cách tin rằng điều đó có thể thực hiện được;
            - Chống lại lối tư duy truyền thống làm tê liệt đầu óc;
            - Ba giải pháp tăng cường khả năng sáng tạo;
            - Mở rộng tư duy và kích thích trí óc;
            - Khai thác và phát triển ý tưởng - kết quả của tư duy;
            - Nâng cấp tư duy của mình - suy nghĩ như những nhân vật quan trọng;
            - Kiếm được nhiều tiền hơn nhờ đặt sự phục vụ lên trên hết;
            - Nhận được sự ủng hộ của người khác bằng cách nghĩ tốt về họ;
            - Chủ động xây dựng tình bạn;
            - Suy nghĩ tích cực ngay cả khi thất bại hay gặp trở lực;
            - Rèn thói quen hành động - đừng cầu toàn;
            - Khám phá bí quyết kích thích tinh thần;
            - Lợi dụng sự kỳ diệu của từ “Bây giờ”;
            - Gia tăng giá trị bản thân bằng cách “Phát biểu”;
            - Phát huy óc sáng kiến- một kiểu hành động đặc biệt;
            - Thất bại chỉ là một trạng thái tinh thần không hơn không kém;
            - Tích cực tự phê bình để phát huy năng lực bản thân;
            - Vượt qua chán nản bằng cách nhận ra mặt tốt của mọi vấn đề;
            - Xác định rõ mục tiêu của cuộc đời;
            - Lên kế hoạch xây dựng mục tiêu 10 năm;
            - Tránh xa 5 vũ khí huỷ hoại thành công;
            - Đặt mục tiêu cụ thể để làm việc và sống lâu hơn;
            - Đầu tư vào bản thân;
            - Bốn nguyên tắc lãnh đạo;
            - Suy nghĩ tiến bộ, tin vào sự tiến bộ, thúc đẩy tiến bộ;
            - Khai thác năng lực tư duy lớn nhất;
            - Áp dụng sự kỳ diệu của tư duy lớn vào những tình huống quyết định của cuộc sống.
Mời bạn click vào video để nghe quyển sách Sự kỳ diệu của tư duy lớn

Lược thuật nội dung từng đề mục:
Tác giả không trình bày cuốn sách dưới hình thức chương mục, mà viết thành 13 tiêu đề độc lập, hợp thành một chỉnh thể thống nhất chặt chẽ có tính logic. Dưới đây là tên gọi và nội dung của từng đề mục:
1. Tin tưởng thành công, bạn sẽ thành công:
- Thành công là gì: Là sự phát đạt của cá nhân cả về vật chất và tinh thần, là dành được sự tự do chân chính, được coi trọng, ca ngợi, là sự toại nguyện trong cuộc sống…; thành công đồng nghĩa với chiến thắng, thành đạt. Nó là mục tiêu của cuộc đời mỗi người.
- Ai cũng muốn thành công, thành đạt nhưng có người đi đến đích, có người không. Vì sao? Vì số người này có niềm tin, số người khác thì không. “Hãy tin tưởng, thực sự tin tưởng rằng bạn có thể dời non lấp biển, rồi bạn sẽ làm được”.
- Nhưng niềm tin hoàn toàn khác với mơ tưởng. Không thể ao ước mà dời được trái núi, cũng như không thể ước mà sở hữu được ngôi nhà có năm phòng ngủ, ba phòng tắm…
- Sức mạnh của niềm tin không có gì là bí ẩn. Niềm tin - tức là thái độ “tôi tin là tôi có thể” sẽ tạo ra sức mạnh, sự khéo léo và nghị lực cần thiết để hành động. Họ luôn quan sát, học tập cách tiếp cận vấn đề và ra quyết định,kể cả thái độ xử sự của những người thành đạt, những giám đốc lão luyện. Từ niềm tin sẽ kích thích đầu óc nghĩ ra cách hành động, đồng thời khiến cho người khác đặt niềm tin vào bạn. Niềm tin khơi gợi sức mạnh để thành công. Niềm tin tạo ra dũng khí, niềm hứng thú và nhiệt tình để theo đuổi công việc.
- Ngược lại với niềm tin là sự nghi ngờ, lưỡng lự, ý thức thất bại, sự không ham muốn thành công. Chúng là nguyên nhân dẫn đến đa số thất bại. Hoài nghi sẽ dẫn đến thất bại. Tin tưởng vào chiến thắng sẽ dẫn đến thành công.
- Con người là sản phẩm của suy nghĩ chính mình. Muốn thành công, phải khai thác tối đa sức mạnh của niềm tin. Không nên tự cho mình là công dân loại hai, mình kém người nọ người kia, mình không làm được trò trống gì… Hãy tin vào bản thân, rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
- Cách phát huy sức mạnh của bản thân: 1/ Hãy nghĩ đến thành công, đừng nghĩ đến thất bại; 2/ Thường xuyên nhắc nhở bản thân: Mình giỏi hơn những gì mình nghĩ về bản thân; 3/ Nghĩ đến mục tiêu to lớn sẽ đạt được thành công vang dội. Mục tiêu nhỏ thì kết quả tầm thường.
2. Tự chữa chứng viện lý do, chứng bệnh dẫn đến thất bại:
- Những người gặp thất bại mắc một chứng bệnh tư tưởng gọi là bệnh “viện lý do”:
- Bốn hình thức phổ biến của chứng viện lý do và cách chữa trị:
+ Sức khoẻ kém (Cách chữa: Tốt nhất không nên nhắc đến sức khoẻ của mình, không nên lo lắng, cứ hoạt động còn hơn ngồi chờ bệnh đến…)
+ Kém trí tuệ, ít thông minh (Cách chữa: Cần hiểu rằng tư tưởng điều khiển trí thông minh quan trọng hơn trí thông minh rất nhiều. Tri thức chỉ trở thành sức mạnh khi được sử dụng một cách tích cực. Đừng bao giờ coi thường trí tuệ của mình, khả năng tư duy quan trọng hơn khả năng học thuộc thông tin).
+ Lý do tuổi tác (Cách chữa: Chuyển từ suy nghĩ “tôi già rồi” sang suy nghĩ “Tôi vẫn còn trẻ chán”. Nếu viện lý do “tôi còn quá trẻ” thì hãy tự tin, khiêm tốn và quen dần với việc có những người dưới quyền già hơn mình, thay vì đối đầu, hãy khai thác kinh nghiệm của người lớn tuổi).
+ Đổ lỗi cho may rủi (Cách chữa: Hãy chấp nhận luật nhân quả. Chỉ nhờ vào vận may, không thể thành công; phát huy những phẩm chất bạn đang có…).
3. Tạo lập sự tự tin và tiêu diệt chứng sợ:
- Hầu hết chứng sợ hãi đều do tâm lý mà ra. Một dạng nhiễm trùng về tâm lý. Bản chất của nó là thiếu tự tin.
- Cách điều trị: Hành động, chỉ có hành động mới chế ngự được chứng sợ. Sự chần chừ, lưỡng lự sẽ làm nỗi sợ hãi tăng lên.
- Thực hiện hai bước: Một - cô lập nỗi sợ, ghìm nó xuống, xác định đúng điều bạn sợ. Hai- Tiếp đó hãy hành động kiên quyết để khắc phục nỗi sợ.
- Thiếu tự tin cũng là một dạng sợ hãi; nó xuất hiện khi bộ nhớ của chúng ta được quản lý tồi. Cách khắc phục: Gửi những suy nghĩ tích cực vào ngân hàng ký ức và chỉ rút khỏi ngân hàng đó những suy nghĩ tích cực.
- Sợ người khác là một chứng sợ rất phổ biến. Cách chế ngự: Đặt họ vào “vị trí đúng”. Muốn vậy phải đánh giá họ một cách công bằng, khách quan. Họ quan trọng, ta cũng quan trọng. Tiếp đó phải phát huy thái độ thông cảm, và đề phòng những kẻ hay bắt nạt và luôn ra vẻ ta đây.
- Một nguyên tắc quan trọng: Làm những việc đúng sẽ đem lại sự thanh thản cho tâm hồn và tạo lập sự tự tin. Để tự tin suy nghĩ hãy tự tin hành động. Hành động tự tin tạo ra suy nghĩ tự tin. Thí dụ: Mạnh dạn ngồi lên hàng ghế đầu, tập nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, ăn mặc đoàng hoàng và bước đi mạnh bạo, nhanh hơn bình thường, luôn ngẩng cao đầu, mạnh dạn phát biểu ý kiến riêng, thu hút sự chú ý của xung quanh, cười thật tươi…
4. Cách tư duy lớn:
- Nhược điểm lớn nhất của con người là tự ti, tức là đánh giá thấp bản thân. Vì vậy hãy tự biết mình, thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình để tiếp tục hoàn thiện và đề phòng bị bất ngờ.
- Trong giao tiếp có một nguyên tắc quan trọng: Chúng ta không tư duy bằng từ ngữ, chúng ta chỉ tư duy bằng hình ảnh/ hoặc hình tượng. Do đó, để tư duy lớn, phải sử dụng những từ ngữ có thể tạo ra những hình ảnh mang ý nghĩa tích cực trong tâm trí.
- Bốn cách để phát triển vốn từ của người có tư duy lớn: Luôn dùng các từ tích cực, vui nhộn; sử dụng các từ dễ hiểu, trân trọng đối với người khác, khen nhiều hơn chê; giúp người khác vạch kế hoạch, động viên khuyến khích họ.
- Hãy luôn nhìn vào triển vọng của sự việc, đừng chỉ nhìn vào hiện trạng của nó.
- Người tư duy lớn luôn hình dung ra những việc có thể thực hiện được trong tương lai. Anh ta không mãi loay hoay với thực tại.
- Cố gắng tập thuyết phục người khác, tập thuật hùng biện. Những nhà hùng biện thành công đều có chung một điểm: họ có cái để trình bày và họ khao khát người ta lắng nghe điều đó.
- Nguyên nhân dẫn đến cãi vã mất đoàn kết: Những điều nhỏ nhặt, tư tưởng hẹp hòi đã gây cãi vã. Vì vậy nên thường xuyên tự hỏi: Điều đó có quan trọng đến thế không, từ đó vứt bỏ tư tưởng nhỏ nhen hẹp hòi.
5. Cách tư duy và mơ tưởng sáng tạo:
- Hãy tin tưởng mình có thể làm được. Tin rằng có giải pháp sẽ đưa đến giải pháp. Loại trừ cụm từ “không thể”.
- Đừng để lối tư duy truyền thống làm tê liệt đầu óc bạn, hãy thử tiếp cận với các phương pháp mới.
- Hàng ngày luôn tự hỏi: Làm thế nào để công việc tốt hơn nữa. Hãy làm nhiều hơn những gì bạn đang làm.
- Luôn đặt câu hỏi và lắng nghe xung quanh. Người thành đạt làm chủ khả năng nghe, người tầm thường chỉ biết làm chủ khả năng nói.
- Hãy mở rộng trí óc của mình, quan tâm tới nhiều thứ hơn, kết giao với những ai có thể giúp bạn nghĩ ra những ý tưởng mới, phương pháp mới.
6. Nghĩ mình thế nào, bạn sẽ như thế ấy:
- Hãy tạo cho mình dáng vẻ người quan trọng: Thông minh, thành đạt và đáng tin cậy.
- Hãy xem trọng công việc của mình, cấp dưới sẽ coi trọng công việc của họ.
- Hãy tự động viên mình mỗi ngày vài lần.
- Trong mọi tình huống, hãy tự hỏi bản thân: Phải chăng đây là cách nghĩ của người thành đạt. Sau đó làm theo câu trả lời của chính mình.
7. Quản lý môi trường sống: Đến với chất lượng hạng nhất:
- Hãy ý thức về môi trường xung quanh, thức ăn tinh thần sẽ nuôi dưỡng tinh thần.
- Hãy làm cho môi trường xung quanh có ích cho bạn, đừng để nó chống lại bạn.
- Kẻ đố kỵ rất muốn bạn sẩy chân, đừng để họ toại nguyện.
- Hãy hỏi ý kiến những người thành đạt.
- Hãy đón nhận nhiều niềm vui, luôn khám phá những điều mới mẻ và kỳ thú.
- Tránh ngồi lê đôi mách, nói về người khác nhưng chỉ nhắc đến khía cạnh tích cực.
- Hãy tìm đến chất lượng hạng nhất trong mọi hoạt động của bạn.
8. Biến thái độ thành bạn đồng hành:
- Phát huy thái độ: “Tôi đã được kích hoạt”, tức sẵn sàng nhiệt tình làm việc, thành quả.
- Luôn đặt sự phục vụ lên trên hết, tìm mọi cách đem lại cho bạn hè, khách hàng nhiều hơn những gì họ mong đợi ở bạn.
9. Nghĩ tốt về người khác:
- Hãy trở thành người được mọi người yêu mến, khi đó bạn sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của họ.
- Chủ động xây dựng tình bạn.
- Chấp nhận những khác biệt và thiếu sót của con người, đừng đòi hỏi ai đó phải hoàn hảo.
- Hãy tìm những đặc điểm để yêu mến và hâm mộ một người nào đó, đừng tìm những khuyết điểm để ghét họ.
- Tập cởi mở trong giao tiếp, tìm cách lắng nghe người khác, nhất là những thành tích của họ.
- Tập nhã nhặn lịch sự mọi lúc, mọi nơi.
- Đừng đổ lỗi cho người khác khi gặp trở lực. Cách suy nghĩ về thất bại quyết định quãng đường dẫn đến thành công của bạn.
10. Tập thói quen hành động:
- Hãy luôn là người hoạt động, đừng làm người nói suông.
- Không chờ mọi điều kiện hoàn hảo rồi mới bắt tay vào việc.
- Nêu ý tưởng là tốt nhưng dừng lại ở ý tưởng không thể đem lại thành công. Ý tưởng chỉ có giá trị khi bạn thực hiện nó đến cùng.
- Hãy hành động để khắc phục chứng sợ và tạo lập niềm tin.
- Hãy nghĩ đến cụm từ “ngay bây giờ”, “ngay lập tức”, không lần lữa khất lần thời điểm hành động.
- Luôn nắm thế chủ động khởi xướng, tư duy, hành động, không lý thuyết suông.
11. Cách chuyển bại thành thắng:
- Hãy nghiên cứu thất bại để chuẩn bị cho thành công.
- Can đảm tự phê bình, đúc rút kinh nghiệm.
- Không đổ lỗi cho may rủi và khách quan.
- Không nên đâm đầu vào một hướng, hãy thử các phương pháp mới, lĩnh vực mới, đối tượng mới, cách nghĩ mới…
- Nên tìm ra mặt tích cực của mọi vấn đề, kể cả thất bại để không bi quan.
12. Đặt mục tiêu để phát triển:
- Điều quan trọng không phải bạn đã ở đâu hoặc đang ở đâu mà là bạn muốn đến đâu.
- Hãy xác định rõ đích đến của mình, nghĩ đến hình ảnh của mình 10 năm sau.
- Viết ra giấy những gì bạn muốn và lên kế hoạch 10 năm.
- Đặt ra mục tiêu, mơ ước để có thêm nghị lực hành động. Mục tiêu đúng tạo ra động lực đúng.
- Hãy thực hiện mục tiêu từng bước một.
- Nếu gặp chướng ngại vật, có thể phải đi đường vòng, nhưng không bỏ cuộc.
- Hãy đầu tư vào bản thân, trước hết là về tinh thần và trí tuệ, giáo dục, không ngừng nâng cao năng lực, đưa ra ý tưởng mới.
13. Rèn luyện cách nghĩ như nhà lãnh đạo:
- Bạn không được kéo lên những nấc thang danh vọng và thành đạt mà được nâng lên bởi cộng sự và cấp dưới của bạn.
- Bốn nguyên tắc lãnh đạo: Luôn đặt mình vào vị trí những người bạn muốn chi phối; hãy suy nghĩ: Làm sao giải quyết việc này cho có tình cảm; Suy nghĩ tiến bộ, tin vào sự tiến bộ và thúc đẩy sự tiến bộ; Dành thời gian để bàn bạc với chính mình.
- Cách sử dụng tư duy lớn:
            * Khi những người tầm thường cố ý làm bạn nản lòng, hãy tư duy lớn.
            * Khi cảm giác “Tôi không đủ tiêu chuẩn hoặc tôi không thể”, hãy tư duy lớn.
            * Khi sắp xảy ra tranh chấp, cãi vã, hãy tư duy lớn.
            * Khi cảm thấy mình sắp bị đánh bại, hãy tư duy lớn.
            * Khi tình cảm lãng mạn sắp bị mất đi, hãy tư duy lớn.
            * Khi thấy công việc của mình đang bị chậm lại, hãy tư duy lớn.
Tóm lại, hãy tư duy đủ lớn để hiểu rằng, bạn đặt sự phục vụ lên trên hết, tiền bạc và danh vọng sẽ đến với bạn.
Nguồn: http://www.hoclamgiau.vn/